CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KIẾN TRÚC THUẬN LỢI VÀ BẤT CẬP

CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KIẾN TRÚC THUẬN LỢI VÀ BẤT CẬP

CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KIẾN TRÚC THUẬN LỢI VÀ BẤT CẬP

Hiện nay, rất nhiều bạn đang quan tâm đến chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Bởi vì nó đã bị “tắc” suốt từ 01/7/2020 (khi Luật Kiến trúc có hiệu lực) đến tháng 4 năm 2021 (là thời điểm Hội Kiến trúc sư Việt Nam ban hành Bộ câu hỏi sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc).

Bài viết này, mình xin phân tích một số bất cập, khó khăn trong công tác đề nghị và xét cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo quy định.

I. THUẬN LỢI

- Có Luật Kiến trúc năm 2019.

- Có Nghị định 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc (sau đây viết tắt là Nghị định 85)

- Có Thông tư 03/2020/TT-BXD ngày 28/7/2020 quy định Mẫu CCHN kiến trúc (sau đây viết tắt là Thông tư 03).

- Có bộ đề sát hạch chứng chỉ hành nghề kiến trúc (Bộ 280 câu hỏi do Hội Kiến trúc sư Việt Nam ban hành theo Quyết định số 18/QĐ-KTSVN ngày 06/4/2021).

- Có 10 cơ sở đủ điều kiện sát hạch chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Đến nay (ngày 29/10/2021), theo Quyết định công bố của Bộ Xây dựng, có 10 cơ sở đủ điều kiện sát hạch gồm:

(1) Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị

(2) Hội Kiến trúc sư Việt Nam

(3) Trường Đại học xây dựng Miền Trung

(4) Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

(5) Viện Kiến trúc Quốc gia

(6) Hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam

(7) Trường Đại học Xây dựng

(8) Trường Đại học xây dựng miền Tây

(9) Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh

(10) Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.

→ Như vậy, về lý thuyết là việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc đã có thể thực hiện được.

II. BẤT CẬP

Theo nghiên cứu của cá nhân mình thì nhận thấy còn có sự mâu thuẫn, bất cập trong quy định về cấp CCHN kiến trúc. Cụ thể là:

1. Cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc có phải sát hạch hay không?

Theo điều khoản xử lý chuyển tiếp của Luật Kiến trúc và Nghị định 85. Quy định:

- Chứng chỉ hành nghề kiến trúc đã cấp cho cá nhân theo quy định của Luật Xây dựng thì được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn.

- Chứng chỉ hành nghề kiến trúc đã cấp cho cá nhân theo quy định của Luật Xây dựng nếu hết hạn thì được gia hạn sử dụng theo pháp luật về kiến trúc khi đảm bảo các quy định về phát triển nghề nghiệp liên tục và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp.

Nó bất cập ở chỗ này đây:

- Tại Khoản 2, Điều 28, Luật Kiến trúc quy định điều kiện gia hạn CCHN kiến trúc gồm 03 điều kiện:

(1) Chứng chỉ hành nghề kiến trúc hết thời hạn sử dụng;

(2) Bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục;

(3) Không vi phạm Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.

→ Như vậy, theo Luật Kiến trúc không yêu cầu phải đạt sát hạch khi gia hạn chứng chỉ.

- Tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định 85 quy định về thành phần hồ sơ đối với trường hợp gia hạn, cấp lại CCHN kiến trúc. Cụ thể là:

Gia hạn: Đơn + Văn bản xác nhận phát triển nghề nghiệp liên tục + Chứng chỉ cũ.

Cấp lại: Đơn + Chứng chỉ cũ.

→ Như vậy, thành phần hồ sơ không quy định phải có kết quả sát hạch.

Tuy nhiên, tại Khoản 3, Điều 25, Nghị định 85 quy định về hình thức sát hạch cấp CCHN kiến trúc thì lại quy định là:

a) Đối với cấp lần đầu: Sát hạch bằng hình thức trắc nghiệm VÀ vấn đáp.

b) Đối với cấp lại, gia hạn: Sát hạch bằng hình thức trắc nghiệm.

→ Như vậy, hiểu là cấp lại, gia hạn chứng chỉ vẫn phải sát hạch (chỉ được miễn vòng thi vấn đáp so với trường hợp cấp lần đầu).

Quy định trên sinh ra bất cập là: Giả sử cá nhân đề nghị cấp lại CCHN (do bị mất hoặc thay đổi thông tin cá nhân) mà vẫn yêu cầu sát hạch lại thì bất cập; hoặc là người đã có CCHN rồi mà thực hiện gia hạn vẫn yêu cầu sát hạch thì sẽ bị thiệt thòi do đã phải đi học tích điểm CPD (điểm phát triển nghề nghiệp liên tục) theo từng năm.

 

Nhưng các bạn yên tâm, bất cập này đã được Bộ Xây dựng xem xét và có hướng tham mưu sửa đổi theo hướng hủy bỏ Điểm b, Khoản 3, Nghị định 85. Như vậy, cấp lại và gia hạn sẽ không yêu cầu sát hạch nữa. Nhưng vẫn phải chờ cho tới khi Nghị định sửa đổi được ban hành.

2. Lĩnh vực hành nghề ghi trên CCHN kiến trúc phải ghi thế nào?

- Tại Điều 19, Luật Kiến trúc quy định về các dịch vụ kiến trúc (bao gồm 07 dịch vụ gồm:

a) Thiết kế kiến trúc công trình;

b) Thiết kế kiến trúc trong đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, thiết kế đô thị;

c) Thiết kế kiến trúc cảnh quan;

d) Thiết kế nội thất;

đ) Chỉ dẫn đặc điểm kỹ thuật kiến trúc công trình;

e) Đánh giá kiến trúc công trình;

g) Thẩm tra thiết kế kiến trúc.

- Tại Điểm a, Điều 32, Luật Kiến trúc quy định kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc có quyền được thực hiện các dịch vụ kiến trúc.

→ Như vậy ở đây mình hiểu là: Nếu mình có CCHN kiến trúc thì mình được phép thực hiện 07 công việc về dịch vụ kiến trúc như đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, tại Thông tư 03/2020/TT-BXD quy định mẫu chứng chỉ hành nghề kiến trúc thì quy định ở Trang 3 của chứng chỉ phải ghi “lĩnh vực hành nghề” và “thời hạn”. Trong khi đó, Luật Kiến trúc và Nghị định 85 không có chỗ nào quy định hay có cụm từ “lĩnh vực hành nghề” cả.

Có nơi thì ghi ở lĩnh vực hành nghề là “thiết kế kiến trúc công trình” hoặc “thiết kế nội thất”,....; theo quan điểm cá nhân mình thì ghi như vậy cũng chưa chính xác và đầy đủ. Bởi vì ở Luật kiến trúc đã nói có CCHN kiến trúc thì được thực hiện các dịch vụ về kiến trúc rồi. (trong đó có thiết kế kiến trúc công trình, thiết kế nội thất công trình,...).

Chỗ “lĩnh vực hành nghề” ấy mà có ghi đủ cả 7 công việc về dịch vụ kiến trúc thì lại thành thừa.

Kể ra mà trong Luật kiến trúc quy định là: “Người có CCHN kiến trúc được thực hiện dịch vụ kiến trúc theo lĩnh vực ghi trên CCHN” thì nó lại là hợp lý; khi đó cấp CCHN kiến trúc sẽ chẻ nhỏ các lĩnh vực theo chuyên môn, kinh nghiệm thực tế của cá nhân đề nghị.

 Bất cập này chúng ta phải chờ hướng dẫn, trả lời cụ thể của Bộ Xây dựng.

 Tóm lại, theo quan điểm cá nhân mình nhận thấy Nghị định 85, Thông tư 03 còn có chỗ bất cập, chưa cụ thể và khó triển khai Luật Kiến trúc.

Nghị định 85, Thông tư 03 không có điều nào chi tiết quy định về chuyên môn, kinh nghiệm làm bao nhiêu công trình, cấp mấy thì được xét cấp chứng chỉ....; trong khi đó, theo Luật kiến trúc thì chỉ quy định là “Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân” là đủ điều kiện cấp mới CCHN kiến trúc.

Hy vọng, những bất cập về CCHN kiến trúc sẽ được Bộ Xây dựng tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất.

Thân ái,

Sathachchungchi.vn

0 bình luận

Thẻ